Translate

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

ÂM NẮNG GIỮA MÙA ĐÔNG (DUC)

Lan man ký
Như lệ thường, cứ 5 giờ sáng, thức dậy làm những thủ tục cần thiết cho thân thể xong, mình ngồi vào bàn viết mở mạng đọc báo; đến 6.30 rời nhà đến trường. Có lẽ, đó là thói quen của một công chức: Sáng uống cà phê chiều rượu chè. Nhưng sáng nay, ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (nơi mình dạy), các em đang tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, nên mình được thảnh thơi thư giãn một chút. Rề rà như một kẻ rỗi nghề, đến 8. 30, mình mới lên mạng xem tin tức. Mình hết vào Thanh nien online lại sang Tuoitre online; dán mắt vào VietNam net xong lại lục lọi khắp VNexpress,... Đang "no nê" tinh thần, buồn vui theo dòng thời sự, bỗng mình giật cả người... Hóa ra, chuông điện thoại ở skype reo. Ngân đang gọi. Hay lắm, một ngày nghỉ bất thường cần trò chuyện, thế là có bạn chuyện trò. Ông thầy bói xem đúng thật: "Số anh hậu vận khá, nhất chuyện tình cảm bạn bè sẽ ngày càng đầy kho".
Mình vội vàng nhấn vào nút nghe. - A lô, thức dậy sớm thế, mình đang nói chuyện với Huy đây. Chờ một chút, mình conference, chúng mình nói chuyện tay ba nghe. - Ô kê, rất vui lòng chờ đợi. (...) - A lô, Huy đây. Dục khỏe không ? - Khỏe hơn trâu. Bạn thế nào ? - Khỏe, nhưng lạnh lắm ! - Teo rồi còn gì ! - Ờ, mình vào nhà vệ sinh tìm nó chẳng có, phiền ghê ! Ha, ha, ha,... - Ở chỗ Huy lạnh lắm Dục ơi. Vậy mà nó cứ ở một mình, can đảm thật ! Ngân lên tiếng. He, he, he,... À, nghe Sơn sắp sang xứ Cờ hoa phải không ? Bọn mình cũng mong liên lạc với Sơn để động viên nhau ở bên này (Ngưng cười, giọng Ngân tình cảm lắm). - Ừ, mồng 6 Tết này Sơn lên máy bay. - U 50 rồi. Sơn đi làm gì cho khổ. Huy chen ngang. - Có lẽ Sơn qua bên ấy cũng vì con cái thôi Ngân, Huy ạ ! Mỗi người mỗi cảnh mỗi thân phận, biết làm sao được. Chúng ta còn biết san sẻ, đồng cảm thôi. Bỗng nghe tiếng Ngân: Ê, vậy mà Viện chẳng... chẳng đồng cảm gì với Dinh với Thuận với Tùng gì cả ! Dục đã đọc trang web của nó chưa ? Viện mới viết về Tùng, lời lẽ chẳng ra sao ! Có trách nhau thì cũng nên nhẹ nhàng thôi, đằng này... Mình rất ngạc nhiên, lâu nay, thi thoảng mình vào trang web của Viện, nào thấy Viện viết gì về Tùng đâu. - Chưa. Mình vào đọc đây. - Ngân ơi, mình tìm thấy rồi. Viện viết nặng nề quá. Ở tuổi mình đáng ra phải mở rộng lòng hơn nữa chứ. Sao mà.... Các cụ ngày xưa nói, bạn bè thì củ khoai chia bốn và cái gì gì đấy còn chia hai nữa là... Ngân cất giọng: Tình... tình... tình... bạn... bạn... bạn... thương... thương... thương... - Ê, cái gì vậy. Huy kêu lên. Ngân ơi máy cũ rồi, thay cái mới đi (lại cười sảng khoái). Ngân chống chế: tại cái headphone ấy mà...
Cuộc trò chuyện tay ba cứ thế rôm rả. Người tạt ngang, người đưa đẩy; kẻ cười hồn nhiên, người cười thanh thản; người vừa nhâm nhi cà phê vừa tâm tình, kẻ vừa nhấp men rượu nặng, rượu vang vừa thăm hỏi bạn bè gần xa. Vui bất tuyệt. Vui như cái nắng giòn tan sau cơn mưa... Vui như đang quây quần bên nhau. Tự dưng mình nhớ đến Cẩm. Dễ hơn hai năm rồi, kể từ khi vợ chồng bạn Cẩm về thăm quê hương, đến nay anh em chẳng biết tin tức gì về Bạt Ngàn cả. Huy cho biết vừa nói chuyện điện thoại với Cẩm tuần trước. Thế là Ngân xông xáo, gọi cho Cẩm và mở lớn âm lượng điện thoại. Giọng Cẩm vang lên. Thăm hỏi, cười,... náo nhiệt, tươi trẻ và ấm tình lắm. Mình tưởng như đang sống trong cái ngày xửa ngày xưa, giữa sân trường Phan Châu Trinh nắng ấm, dưới tán những cây xà cừ, bạn bè túm tụm bên nhau râm ran không dứt. Sao mà nhớ cái thuở thanh xuân đến thế. Cẩm tạm biệt anh em, cắt điện thoại để đi làm. Hụt hẫng một phút. Thôi quay về trò chuyện tay ba. Bỗng, Huy lên tiếng: Kiện đang chát với mình đây. Ngân háo hức: mình cũng chát với Kiện luôn. Lại chát tay ba. Hình như vui lắm thì phải. Cứ nghe Ngân, Huy cười tươi như thể pháo tết thuở nào. - Dục ơi, còn nghe đó chớ. Ngân hỏi. - Còn nghe. Mình trả lời. - Này Dục hiểu thế nào từ "kiêu bạt" trong bài thơ Kiện thân tặng Huy ? Ngân băn khoăn. - Mình không nghĩ về từ đó nhiều như Ngân đâu. Chữ này người ta đã dùng rồi mà. (Xin lỗi phải tạm dừng cuộc tường thuật mấy phút để viết về bài thơ của Kiện). Chữ "kiêu" này nguyên nghĩa là: tự cho mình hơn người, và cũng có thể cùng trường nghĩa với các từ: kiêu hùng, kiêu dũng, kiêu hãnh, kiêu bạc,... Còn "bạt" là làm cho trôi đi, dạt đi nơi khác. Nhưng mà bàn về từ ngữ làm chi Ngân ơi. Mình thú vị trước bài thơ "Trôi theo đời kiêu bạt" của Kiện. Người ta nói đọc thơ là nghe trộm tiếng lòng của tác giả, nên xin phép bạn hiền Hùng Kiện trò chuyện với Ngân một chút về bài thơ. Điều trước tiên, bài thơ về số lượng từ thật "khiêm tốn", một bài thơ nhỏ chỉ 10 dòng , viết theo thể năm chữ. Nhưng ai dám cả quyết rằng bài thơ nhỏ thì tình cũng bé. Một câu ca dao chỉ hai dòng lục bát mềm như lụa, mỏng manh như chiếc thuyền nan, nhưng nặng đầy tâm tình, khát vọng của người chân đất. Những bài thơ tứ tuyệt Đường luật cũng gòn gọn thế thôi, nhưng đó là sự kết tinh để bừng nở bao nhiêu là xúc cảm, tư tưởng của nhà thơ. Hoặc như bài "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương, xinh xinh và nho nhỏ, vậy mà cứ trải ra trước mắt ta một thân phận duyên tình dở dang, lại cháy lên trong hồn người đọc khát khao hạnh phúc rực hồng vĩnh hằng: Có phải duyên nhau thì thắm lại/Đừng xanh như lá bạc như vôi. Bài thơ của Kiện hình thức cũng giản dị mà chứa đựng cả một tấm lòng bè bạn. Lo cho bạn cuối đời tình vẫn ngoài tay với, rồi cô đơn đi về một thân. Cái quý là sự vỗ về, động viên của một tấm lòng dành cho một tấm lòng. Thì đây, cấu trúc ngôn từ là những câu cầu khiến mở đầu từng khổ thơ: hãy đi tiếp con đường/ hãy bỏ lại ngậm ngùi/ hãy giũ bỏ thơ buồn. Cấu trúc lặp tạo độ nhấn của cảm xúc, khắc sâu hơn chữ tình bạn. Giọng điệu thơ ân cần hơn. Câu thơ như một lời nói, nhưng nhờ cấu trúc ấy mà rất thơ, mà dạt dào xúc cảm. Có lẽ cũng cần chú ý một chút thì thấy tứ thơ hướng về tương lai, cái miền hạnh phúc, cái bến bờ vui. Đó là cấu trúc tương phản về ý, về hình ảnh (vầng dương>< gió ngược, ngày tháng cũ>< tình xuân cuối vụ) trong từng khổ thơ, tương phản giữa xưa và nay, giữa cái hiện có và cái sẽ tìm đến. Đặc biệt, khổ cuối chỉ hai dòng thơ, nén đúc cảm xúc của toàn bài. Tình trong thơ vì thế mà chưng cất lại để tràn chảy láng lênh. Tuy vậy, mình vẫn ngờ ngợ một điều, nếu tựa đề và dòng kết khép lại bài thơ: trôi theo đời kiêu bạt mà thay chữ theo bằng chữ đi thì âm hưởng thơ mạnh hơn, phóng túng biết mấy.
hãy giũ bỏ thơ buồn
trôi đi đời kiêu bạt
Đôi điều mà dài quá Ngân, Huy nhỉ. Lại tiếp tục cuộc thoại. Lại xem ai đang online để kéo vào nói chuyện chơi. Thế là gọi Trần Thành vào cuộc. Chuyện như bắp rang, nhất là xoay quanh những kỷ niệm của NGUYỄN VĂN SƠN, mãi đến 12. 30. Vui. Ai cũng bảo thế. Thôi Dục, Thành phải đi ăn cơm; Huy phải lên giường đã. Chào thân ái. Hẹn gặp vui, đông vui hơn. Lan man dừng ở đây vậy.
Thân tặng Nguyễn Văn Sơn.
Dương Uyển Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét